EVN “giục” Bộ Công Thương sớm có hướng dẫn chi tiết phân biệt dự án điện mặt trời mái nhà và nối lưới tại các trang trại nông nghiệp.
Trong văn bản gửi Bộ Công Thương ngày 10/8, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tiếp tục đề nghị cơ quan này sớm có hướng dẫn chi tiết phân biệt dự án điện mặt trời mái nhà và nối lưới. Đây là lần thứ 2 trong vòng nửa tháng qua, tập đoàn này có văn bản đề nghị Bộ Công Thương tháo gỡ bế tắc trên.
Vướng mắc lớn nhất hiện nay theo EVN là định nghĩa công trình xây dựng và cơ sở xác định thế nào là điện mặt trời mái nhà. Bởi thực tế nhiều dự án điện mặt trời công suất dưới 1 MW đang được đầu tư theo mô hình trang trại nông nghiệp. Mô hình này sử dụng các tấm pin quang điện lắp trên khung giá đỡ nằm trên đất vườn, đất nông nghiệp với mục đích chính là để sản xuất điện mặt trời nhằm hưởng giá bán điện dành cho điện mặt trời mái nhà.
Hoặc một số công trình dùng chính tấm pin làm mái che và lắp đặt cách nhau một khoảng hở để lấy ánh sáng cho phù hợp với vật nuôi, cây trồng bên dưới. Sau đó lắp bổ sung các tấm lợp bên dưới xà gồ để được công nhận là điện mặt trời mái nhà.
Hiện rất đa dạng về hình thức tấm mái (mái tôn, mái nhựa, lưới, bạt nilon…). Ngoài ra, cách thức lợp mái (trên, dưới xà gồ…) trong khi các quy định để xác định thế nào là mái nhà chưa cụ thể”, EVN nêu thực tế.
Hệ thống điện mặt trời được lắp đặt tại một trang trại nông nghiệp ở Ninh Thuận. Ảnh: Anh Minh.
Đây cũng là vướng mắc lớn mà các dự án điện mặt trời trang trại nông nghiệp vấp phải thời gian qua, khiến chủ đầu tư có điện nhưng không thể bán cho EVN và nguy cơ thiệt hại hàng tỷ đồng.
Ngoài ra, EVN cũng cho biết có một số hệ thống điện mặt trời mái nhà được đầu tư theo cụm có tổng công suất trên 1 MW tại cùng một địa điểm của một chủ đầu tư và đấu nối tại một điểm hoặc nhiều điểm. Do đó, EVN đề nghị xác định trường hợp này có được xem là điện mặt trời mái nhà hay không.
“Bộ Công Thương cần có hướng dẫn các tiêu chí xác định cụ thể để phân biệt giữa hệ thống điện mặt trời mái nhà và hệ thống điện mặt trời nối lưới để xác định giá mua bán”, văn bản kiến nghị của EVN nêu.
EVN cũng cho rằng, các hệ thống điện mặt trời công suất đến 1 MW đấu nối vào cấp điện áp dưới 35 kV và có các tấm pin mặt trời lắp trên hệ thống khung giá đỡ (có mái hoặc không có mái), lắp đặt một phần trên mái nhà, một phần trên đất… nên được ghi nhận là điện mặt trời mái nhà.
Với các trường hợp trang trại nông nghiệp có lắp đặt điện mặt trời với tổng công suất trên 1 MW, EVN đề nghị Bộ Công Thương hướng dẫn thủ tục, trình tự thực hiện lắp đặt, thỏa thuận đấu nối, nghiệm thu an toàn, phòng chống cháy nổ, bảo vệ môi trường…
Bên cạnh đó, cần hướng dẫn việc kinh doanh bán điện mặt trời có phải thuộc danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện và phải làm thủ tục bổ sung đăng ký ngành nghề kinh doanh theo quy định Luật Đầu tư hiện hành.
Trước đó, nhiều chủ đầu tư điện mặt trời tại các trang trại nông nghiệp ở Ninh Thuận, Bình Thuận, Đăk Nông… cho biết đã đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng vào hệ thống điện mặt trời. Tuy nhiên, tới nay vì thiếu tiêu chí xác định cụ thể là điện mặt trời mái nhà hay nối lưới mà họ chưa thể ký hợp đồng mua bán điện cũng như thanh toán tiền điện với EVN. Trong khi đó, phần nhiều trong số tiền đã bỏ ra đầu tư họ phải đi vay ngân hàng.
Trả lời VnExpress gần đây, ông Hoàng Tiến Dũng – Cục trưởng Cục Điện lực & Năng lượng tái tạo cho hay, nếu hệ thống điện mặt trời lắp trên mái nhà của công trình xây dựng như nhà xưởng, trang trại trồng trọt, nhà lưới, nhà ở… đáp ứng các điều kiện của Quyết định 13 thì được xác định là hệ thống điện mặt trời mái nhà. Khi đó, giá mua điện được áp dụng mức 8,38 cent một kWh (tương đương 1.943 đồng một kWh).
Trường hợp chủ đầu tư còn lắp hệ thống các tấm pin mặt trời trên khung đỡ làm mái che cho khu vực đường giao thông nội bộ hoặc trên khung công trình có lớp lưới che phủ khu vực canh tác thì “không phải là điện mặt trời áp mái, và sẽ được xác định là điện mặt trời mặt đất nối lưới hoặc nổi”.
Tức là, tại một công trình xây dựng có các hạng mục hỗn hợp sẽ được bóc tách từng hạng mục để xác định là điện mặt trời áp mái và điện mặt trời mặt đất hoặc điện mặt trời nổi. Giá mua điện theo đó sẽ tương ứng với từng loại hạng mục được xác định, với điện mặt trời mái nhà là 8,38 cent một kWh (tương đương 1.943 đồng một kWh), điện mặt trời mặt đất 7,09 cent, khoảng 1.644 đồng một kWh và điện mặt trời nổi 7,69 cent một kWh (tương đương 1.783 đồng).
Tại cuộc họp tháo gỡ khó khăn giữa Bộ Công Thương và EVN trong phát triển điện mặt trời mái nhà cách đây một tuần, Thứ trưởng Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho biết, cơ quan này sẽ rà soát các khó khăn, vướng mắc và sớm có văn bản hướng dẫn chi tiết để ngành điện triển khai.
Thứ trưởng Vượng cũng thống nhất, với những dự án điện mặt trời mái nhà mới, chỉ thỏa thuận đấu nối với các hệ thống ở những khu vực có khả năng giải tỏa công suất. Với những dự án đã triển khai và không trái với Quyết định 13/2020 thì tạo điều kiện cho các nhà đầu tư triển khai.
Mọi chi tiết xin liên hệ:
CÔNG TY CỔ PHẦN THƯƠNG MẠI KỸ THUẬT PSC
Địa chỉ: 162/37/7 Nguyễn Duy Cung, Q. Gò Vấp, Tp. HCM
Điện thoại: 08 6262 2662
Hotline : 0903.689.384 (Mr. Hoá).
Email : lqhoa@psc-ups.com
Theo Vnexpress