Đắk Nông Đẩy Mạnh Phát Triển Điện Mặt Trời Áp Mái

Dù không có lượng bức xạ cao như các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Tây Ninh… nhưng nhờ được tuyên truyền rộng rãi, đến cuối năm nay Đăk Nông sẽ được cung ứng khoảng 70 triệu kWh từ điện mặt trời áp mái, chiếm 13% lượng điện tiêu thụ của tỉnh.

mái nhà

Tăng nguồn cung điện xanh

Điện mặt trời áp mái (còn gọi là điện mặt trời mái nhà) là loại hình điện mặt trời lắp trên mái nhà hoặc các công trình xây dựng, có công suất dưới 1 MWp. Những hệ thống này được đấu nối vào đường dây trung thế, có đặc thù là phân tán nên ít bị quá tải như điện mặt trời mặt đất (thường có công suất hàng chục đến hàng trăm MWp).

Xác định đây là nguồn cung có nhiều ưu điểm, thân thiện với môi trường, nên Điện lực Đăk Nông triển khai mạnh việc tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân đầu tư lắp đặt.

Nếu như trước ngày 1-7-2019, có 14 khách hàng lắp đặt, công suất 3,1 MWp do còn nhiều bỡ ngỡ với loại hình mới; thì chỉ từ ngày 1-7-2019 đến 30-6-2020 Đăk Nông đã có 91 khách hàng được đấu nối, ghi nhận chỉ số điện. Tổng công suất lắp đặt cũng tăng hơn 10 lần, đạt 34,3 MWp.

Hiện, có 95 khách hàng đã được thỏa thuận đấu nối với tổng công suất 74,6 MWp, đang gấp rút xây dựng để sớm hòa lưới điện.

Với đà tăng trưởng về đầu tư điện mặt trời mái nhà hiện tại, năm 2020 tỉnh Đăk Nông sẽ được cung cấp khoảng 70 triệu kWh điện từ loại hình này, tương ứng với 13% sản lượng điện tiêu thụ của tỉnh, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội trong vài năm tới.

Tháo gỡ “nút thắt” giải tỏa công suất

Huyện Cư Jut là nơi tập trung nhiều khách hàng đăng ký điện mặt trời mái nhà. Hiện có 175 khách hàng đăng ký với công suất 91,477 MWp, dẫn đến tình trạng quá tải cơ sở hạ tầng lưới điện.

Ngoài việc thực hiện công khai minh bạch, công bằng thì Điện lực Đắk Nông đã đề xuất Tổng Công ty Điện lực Miền Trung và thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để nâng cao khả năng của hạ tầng lưới điện như: đầu tư vốn để nâng cấp đường dây, đưa vào vận hành song song các máy biến áp để giải tỏa công suất… nhằm giải quyết tối đa nhu cầu đầu tư điện mặt trời mái nhà trên địa bàn huyện.

Nhiều khách hàng đã được thỏa thuận đấu nối để sớm hòa vào lưới điện

Ông Nguyễn Văn Trình, phó Giám đốc Điện lực Đăk Nông cho biết: “Thời gian tới, để khuyến khích và tạo thuận lợi cho khách hàng lắp đặt điện mặt trời mái nhà, ngoài các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của EVN và EVNCPC, Điện lực Đắk Nông sẽ tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền vận động, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để  mọi tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư điện mặt trời mái nhà trên địa bàn.

Quá trình tiếp nhận và giải quyết được công khai, minh bạch, bình đẳng để các tổ chức, cá nhân yên tâm đầu tư nhằm bổ sung nguồn điện xanh, sạch, góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội và nâng cao đời sống nhân dân trong tỉnh”.

Khuyến khích phát triển điện mặt trời áp mái

Đầu tháng 4/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 13 về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời ở Việt Nam, hiệu lực từ 22-5. Đây là cơ chế khuyến khích tiếp nối Quyết định số 11 hết hạn từ 30-6-2019. Trong Quyết định 13, điện mặt trời mái nhà tiếp tục được xác định là loại hình có nhiều ưu việt, được hưởng giá bán điện cao nhất: 8,38 UScent/kWh so với điện mặt trời mặt đất (7,09 UScent/kWh) và điện mặt trời mặt nước (7,69 UScent/kWh).

Điện áp mái giúp tăng nguồn cung điện xanh

Thủ tục lắp điện mặt trời mái nhà

Khi có nhu cầu lắp điện mặt trời mái nhà, chủ đầu tư thực hiện theo trình tự thủ tục sau:

  1. Đăng ký nhu cầu lắp đặt điện mặt trời mái nhà.

Khi đăng ký, chủ đầu tư cung cấp thông tin ban đầu về địa điểm và công suất dự kiến lắp đặt của dự án điện mặt trời mái nhà để Điện lực liên hệ và khảo sát đấu nối.

  1. Khảo sát và thỏa thuận đấu nối:

Nguyên tắc thỏa thuận đấu nối: Tổng công suất lắp đặt của các dự án điện mặt trời mái nhà đấu nối vào lưới điện trung, hạ áp phải đảm bảo không được vượt quá công suất định mức của đường dây, máy biến áp phân phối trung, hạ áp.

  1. Gửi hồ sơ đề nghị bán điện từ dự án điện mặt trời áp mái

Trước 3 ngày so với ngày dự kiến hoàn thành lắp đặt dự án, chủ đầu tư gửi hồ sơ đề nghị bán điện cho công ty Điện lực.

  1. Điện lực kiểm tra các thông số kỹ thuật và lắp đặt công tơ đo đếm 2 chiều cho dự án điện mặt trời mái nhà.

Trong vòng 3 ngày kể từ sau ngày tiếp nhận giấy đề nghị bán điện từ dự án điện mặt trời của chủ đẩu tư, Điện lực phải hoàn thành việc kiểm tra các thông số kỹ thuật của dự án và ký kết hợp đồng mua bán điện với chủ đầu tư.T.D.V

Theo báo Tuoitre.vn